Những người thầy đặc biệt

13/12/2017 14:12
Những đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học nhưng lại giống như học sinh mầm non, thiếu kỹ năng sống, đa dạng về bệnh tật, khác biệt về hình hài, có nụ cười vô thức hay giọng nói ngọng nghịu... chúng là những học trò đặc biệt của các thầy cô giáo ở Trường tiểu học Bình Minh (80 phố Thợ Nhuộm, Hà Nội). Ở ngôi trường đặc biệt này, các thầy cô giáo vừa là cha mẹ, vừa là gia sư kiên nhẫn, vừa là thầy thuốc tâm hồn của những trí tuệ khuyết tật bẩm sinh...

Cô giáo như mẹ hiền...  

Chúng tôi tới thăm Trường tiểu học Bình Minh vào một ngày cuối thu. Mưa nặng hạt cùng những đợt gió lạnh chuyển mùa, khiến cho thời tiết thêm se lạnh, nhưng những giọt mồ hôi vẫn đọng trên trán, thấm ướt lưng áo cô giáo Đặng Bích Thảo, tổ trưởng chuyên môn khối giáo dục đặc biệt, chủ nhiệm lớp C1.

 

Cô Đặng Bích Thảo (lớp C1) trong giờ luyện chữ cho học sinh khuyết tật. 

 

Trong giờ học, cô Thảo nắn nót viết từng chữ cái và cần mẫn dán những hình ảnh minh họa lên bảng, vừa làm cô vừa quay xuống lớp nhắc nhở học sinh ngồi đúng vị trí, không chạy ra ngoài, không cho chân lên ghế, không chọc ghẹo bạn bên cạnh... Rồi cô đến bên các em, cầm tay, nắn từng nét chữ, chỉnh lại tư thế ngồi cho từng em một. Từng động tác, cử chỉ của cô thật nhẹ nhàng, nhưng vẫn có những học sinh “không chịu hợp tác”, một số em quay ngang quay dọc, không tập trung nghe cô nói, có em tự ý đi ra khỏi chỗ ngồi, leo trèo và nằm lên mặt bàn rồi chờ cô dắt xuống...

Đến giờ ăn trưa, những âm thanh khóc, cười, gõ bát đũa đến chói tai ở lớp C2 nhưng cô Nguyễn Thanh Thủy (chủ nhiệm lớp) vẫn nhẫn nại dỗ dành từng học sinh. Tay gạt vội giọt mồ hôi trên trán, cô Thủy vừa chia cơm, vừa nhắc nhở học sinh ăn nhanh kẻo nguội thức ăn và còn kịp giờ đi ngủ. Em Quân (6 tuổi) không chịu ăn cơm, lăn ra mặt bàn đập tay chân, khóc hờn, ăn vạ, cô Thủy vội chạy lại nâng Quân dậy và dỗ dành, nhưng cậu bé vẫn khóc, đòi cô giáo phải vừa chơi cùng, vừa  bón cơm. Ở một góc khác của lớp, một đứa trẻ gọi giật giọng: “Cô ơ...i, con b...u...ồn đi t...iể...u!”. Cứ như vậy trong suốt giờ ăn trưa, cô Thủy quay qua bên nọ rồi lại ngó bên kia đến chóng mặt để có thể chăm sóc được tất cả học sinh trong lớp.

 

Cô Nguyễn Thanh Thủy (lớp C2) dỗ dành học sinh khuyết tật trong giờ ăn trưa.

 

Trao đổi với tôi, cô Thủy trầm ngâm: “Dạy các em học văn hóa đã khó, nhưng việc cho ăn còn khó khăn hơn rất nhiều. Trong lớp mỗi em một bệnh tật, như suy thận, mỡ máu, tiểu đường, bệnh đao, các giáo viên phải nắm được tình trạng sức khỏe của học sinh để có chế độ ăn kiêng cho từng em. Nhiều lúc các em bị tiểu đường thèm ăn đồ ngọt, dù day dứt lắm nhưng các cô buộc phải nghiêm khắc để giữ sức khỏe cho học sinh”.

Dạy từ nét viết đầu tiên đến kỹ năng tự lập

Có thâm niên 20 năm dạy dỗ và chăm sóc học sinh khuyết tật (HSKT), cô Đặng Bích Thảo tâm sự: “Trong các lớp học ở trường Tiểu học Bình Minh, độ tuổi học sinh không đồng đều, từ 6 đến 20 tuổi, vì đặc điểm riêng của HSKT tuổi khôn và tuổi đời là hai lĩnh vực khác biệt nhau hoàn toàn. Có những em 18 tuổi nhưng tuổi khôn chỉ bằng đứa trẻ 5, 6 tuổi. Việc dạy học cho các em tự kỷ còn khó khăn hơn, bởi kèm theo các tật như: Tăng động, giảm trí hoặc rối loạn hành vi, thì sự hợp tác của những học sinh đó rất hạn chế. Hơn nữa, giáo viên dạy HSKT phải chia nhỏ chặng đường cho học sinh, và mỗi bước tiến bộ của các em, dù là rất nhỏ nhưng đã là “thành tích” của cả thầy và trò”.

 

Cô Nguyễn Hồng Hạnh (lớp C4) luyện chữ cho học sinh khuyết tật.

 

Cũng gắn bó với nghề dạy HSKT hơn 20 năm như cô Thảo, cô Nguyễn Thanh Thủy cho biết, đối với HSKT thì khó khăn trong tất cả lĩnh vực học tập. Có những em tiến bộ hơn về tiếng Việt, em khác lại là môn Toán, nhưng có những em thậm chí 2 năm vẫn dừng chân tại chỗ. Ngoài ra, để cầm được bút là một vấn đề cực kỳ nan giải với HSKT, bởi có những em học đến 3 năm mới viết được chữ O, có em nhiều năm rồi nhưng vẫn chưa biết đọc. “Ở lớp C2 có 31 học sinh theo học đến nay chỉ có 3 em nhận biết được mệnh giá của đồng tiền. Không chỉ riêng tôi mà tất cả các giáo viên trong trường, khi dạy các em đều phải đóng rất nhiều vai: từ giáo viên, bảo mẫu đến người điều dưỡng và là người mẹ thứ hai”.

Cô giáo trẻ Trần Thu Trà (lớp C3) cho biết, tốt nghiệp xong cô về Trường Tiểu học Bình Minh công tác. Mọi việc dạy dỗ các em HSKT không đơn giản như cô nghĩ, vì mỗi em một độ tuổi, tính cách, thậm chí có học sinh chỉ kém cô 1 đến 2 tuổi. Để được các em gần gũi, thân thiện và nghe lời cô là cả chặng đường đầy gian nan. Bây giờ cô, trò rất thân thiện, các em sống tình cảm lắm.

 

Cô Trần Thu Trà (lớp C3) luyện chữ cho học sinh khuyết tật.
 

“Bù đắp được phần nào cho học sinh khuyết tật, tôi sẽ cố gắng hết sức. Ba năm gần gũi, dạy dỗ và chăm sóc các em, tôi chỉ thấy thương các em thật nhiều. Mong sao bọn trẻ luôn mạnh khỏe, tiếp thu được nhiều kiến thức các cô truyền dạy…”. Cô Thu Trà tâm sự.

Ghi nhận những điều cô Thủy, cô Trà chia sẻ, cô Thảo cho biết, hầu hết HSKT khi mới vào trường, mọi kỹ năng tự lập đều không có, chưa biết tự xúc cơm, nhai cơm, chưa tự chủ được việc đi vệ sinh, nhưng các giáo viên vẫn kiên trì dạy dỗ các em từng li từng tí một để các em dần học theo...

 Vui, buồn cùng học sinh khuyết tật

“Học sinh quý cô hơn quý bố mẹ”- đó là niềm vui lớn nhất của cô Thảo trong suốt những năm gắn bó với nghề. Cô Thảo kể, mới đây có hai học sinh khi đi khám bệnh không chịu cho chụp cộng hưởng từ, mặc dù bố mẹ và bác sĩ đã hết lời động viên, nhưng khi được cô giáo gọi điện nói chuyện thì các em đồng ý “hợp tác”. Lại có trường hợp, một phụ huynh gọi cho cô Thảo khoe rằng “mừng đến phát khóc khi con mình đã có thể cầm bút để viết, rồi biết chữ, biết đọc…”. Cô Thảo tâm sự: “Niềm vui lớn nhất đối với tôi là đã góp phần giúp nhiều HSKT  bớt đi những khiếm khuyết của bản thân, có thể hòa nhập được với cộng đồng”. Song, cũng như các giáo viên khác, cũng có lúc cô Thảo thấy chạnh lòng khi mà công sức, tâm huyết của mình bỏ ra thì nhiều, nhưng học sinh tiếp thu được rất ít, và thấy “mình càng phải cố gắng hơn nữa...”.

 

Cô Vương Thúy Quỳnh (lớp C4) luyện chữ cho học sinh khuyết tật.

 

Có con bị khuyết tật bẩm sinh gửi tại trường Bình Minh, chị Mai Phương (Khâm Thiên, Hà Nội) đã từng không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy con cầm thìa xúc cơm cho vào miệng, biết kéo quần đi vệ sinh, phân biệt được màu sắc, biết buộc dây giày... sau một thời gian học tại trường. “Tôi òa vỡ hạnh phúc khi thấy bàn tay con yếu ớt nhưng đã cầm được bút viết nét chữ đầu tiên, biết phát âm chữ cái. Vội vàng quay điện thoại gọi cho cô giáo, nhưng cổ tôi nghẹn lại không thể nói nên lời...” – chị Phương nghẹn ngào.

 

Em Lê Trí Tường (áo trắng), 8 tuổi, tay bị khoèo nhưng chữ viết rất đẹp.

 

Chị Kiều Nhi ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) có con bị chứng bệnh tự kỷ, cho biết, khi vào trường, con chị chưa thể tự lập được mọi việc, kỹ năng sống không có. Vậy mà, như chị chia sẻ: “Chỉ một thời gian ngắn, cháu đã tiến bộ đến bất ngờ, chữ viết của cháu rất đẹp và rõ nét. Tôi cũng như các phụ huynh khác thấy rất yên tâm khi gửi con vào học tại ngôi trường này”.

 

Học sinh khuyết tật trong giờ học âm nhạc. 

 

Rời lớp học, đợt gió lạnh đầu mùa chưa dứt, nhưng nơi đây một sự ấm áp đang lan tỏa. Phía sau là những tiếng cô, trò vui vẻ, những câu nói còn ngọng nghịu, những gương mặt đầy sự yêu thương, đặc biệt là đôi mắt đỏ hoe, những lời kể nghẹn lại của cô Thảo cứ khiến tôi day dứt mãi. Mong rằng các cơ quan quản lý nên có thêm nhiều chính sách ưu đãi đối với những giáo viên dạy HSKT, cộng đồng cùng chung tay sẻ chia với giáo viên và phụ huynh- những người mẹ đã sinh ra đứa con kém may mắn.

 

 

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Minh cho biết: Ngoài mô hình như các lớp tiểu học bình thường, nhà trường còn có 7 lớp chuyên biệt dành cho HSKT với chương trình giảng dạy của Viện Khoa học giáo dục, đã được giáo viên soạn giáo trình theo thực tế để đưa ra chương trình phù hợp nhất. Song hiện nay, nhà trường vẫn đang gặp khó khăn về tài liệu giảng dạy, vì ngoài HSKT ra, còn có những học sinh mắc hội chứng tự kỷ, các giáo viên phải mất nhiều thời gian để vừa chăm sóc, giáo dục, vừa nghiên cứu tài liệu, làm sao đưa ra chương trình khung dạy phù hợp nhất với các em. Hơn nữa, HSKT cần nhất là không gian, trong khi cơ sở vật chất của trường lại chật hẹp, diện tích trong mỗi lớp học rất nhỏ.

Để có được thành công trong giáo dục đối với HSKT, các giáo viên phải có tính kiên trì, sự tỉ mỉ, tính sáng tạo, đặc biệt phải luôn có tình yêu sâu sắc với nghề, đồng thời phải luôn trau dồi kiến thức, thường xuyên cập nhật phương pháp giáo dục mới trong nước và thế giới. Hiện nhà trường đang đề nghị lên Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật của TP. Hà Nội đề nghị khen thưởng cô Đặng Bích Thảo, người có hơn 20 năm gắn bó với các em và có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy HSKT. 

CÙ HÒA

Thong ke

Video