Gần 70 triệu cử tri bỏ phiếu bầu cử

13/12/2017 14:12
Là một trong những cử tri có mặt sớm nhất tại điểm bầu cử phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cùng các lão thành cách mạng sinh sống trên địa bàn làm lễ chào cờ và bỏ phiếu.
  • 7h30

    Từ 6h, tại bản Rào Tre (xã biên giới Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh), đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) đã đưa xe tới chở 84 cử tri dân tộc Chứt đi bỏ phiếu tại tổ bầu cử số 1 xã Hương Liên. 

    Dân tộc Chứt được xem là tộc người nguyên sơ nhất Việt Nam, được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện vào năm 1991 ở vùng biên giới Việt - Lào, sau đó đưa về xây nhà, sinh sống tại bản Rào Tre (xã Hương Liên). Hiện tộc người có 38 hộ gia đình với 138 nhân khẩu.

    Trung tá Dương Thanh Tịnh, Trạm trưởng Biên phòng Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng) giới thiệu tới bà con danh sách ứng viên. Ảnh: Đức Hùng

    Toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 900.000 cử tri đi bỏ phiếu tại 1.651 đơn vị bầu cử. Theo danh sách niêm yết, Hà Tĩnh có 13 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14, cử tri sẽ bầu lựa chọn ra 7 người; có 92 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa 17, sẽ bầu ra 55 người. 

  • 7h20

    Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP HCM bỏ phiếu ở khu vực số 51 UBND phường 7, quận 3.

  • 7h15

    Là một trong những cử tri có mặt sớm nhất tại điểm bầu cử phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cùng các lão thành cách mạng sinh sống trên địa bàn tham gia lễ khai mạc, chuẩn bị bỏ phiếu.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là một trong số cử tri có mặt sớm nhất tại điểm bỏ phiếu phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, nơi bà cư trú. Ảnh: Giang Huy.

  • 7h10

    Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bỏ phiếu tại Khu vực số 7, trường mầm non Hoa Quỳnh, 34 Nguyễn Phi Khanh, phường Tân Định, quận 1, TP HCM. Ảnh: Phước Tuấn

  • 7h00

    Tại điểm bỏ phiếu số 3 ở bể bơi Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội), Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, có mặt từ sớm để dự lễ chào cờ. Sau khi xem xét danh sách ứng cử viên được dán trên tường, ông bắt đầu bỏ phiếu.

    Ông Nguyễn Đức Chung xem lại danh sách ứng viên. Ảnh: Bá Đô.

  • 6h55

    Tại địa điểm bầu cử số 82 đường Trần Khắc Trân (Phú Nhuận, TP HCM), ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban tuyên giáo Trung ương có mặt từ sớm cùng khá đông người dân. Chia sẻ trước buổi bầu cử, ông Thưởng cho biết: "Ngày bầu cử là ngày hội của toàn dân. Tôi tin tưởng cử tri bằng lá phiếu của mình sẽ sáng suốt lựa chọn những người có đức có tài, đủ điều kiện tốt nhất tham gia đại biểu quốc hội".

  • 6h50

    Phó thủ tướng Trương Hoà Bình. Ảnh: Quốc Thắng

    Sau cơn mưa nhẹ vào rạng sáng, điểm bầu cử tại trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường 11, quận Tân Bình, TP HCM) trời khá mát mẻ. Gần 7h, ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng - đi xe riêng đến. Sau khi chào hỏi các lãnh đạo, ông Bình là cử tri đầu tiên tại đây làm thủ tục vào bầu cử. Tay cầm thẻ cử tri, ông tươi cười nhận phiếu vào phòng cách ly thực hiện nghĩa vụ cử tri của mình. 

    "Tôi thực hiện quyền công dân như mọi người với tiêu chí chọn người có tài, có tâm để nói lên nỗi lòng người dân. Người được tôi bầu phải là người hết lòng vì nhân dân", Phó thủ tướng chia sẻ về quan điểm bầu cử của mình. 

  • 6h50

    Từ 6h, tại điểm bầu cử số 52 (125 Trương Định, phường 7, quận 3), nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải đến rất sớm. Hai nguyên ủy viên Bộ Chính trị nghe phổ biến quy trình bỏ phiếu sau đó cùng hàng trăm người dân khu vực tham gia bỏ phiếu bầu Quốc hội, HĐND các cấp.

  • 6h50

    TP HCM trời mát sau cơn mưa kéo dài từ chiều qua đến rạng nay. Ở tổ bỏ phiếu 51, quận 3, TP HCM, đã có khá đông người dân từ lúc 6h. Khoảng 6h30, trong chiếc áo sơ mi trắng, cười khá tươi, ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành uỷ TP HCM đến thực hiện nghĩa vụ cử tri của mình.

    Ông Đinh La Thăng bầu cử tại quận 3, TP HCM. Ảnh: Hữu Công

  • 6h50

    Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến điểm bàu cử số 7, quận 1, từ hơn 6h. Ảnh: Phước Tuấn

  • 6h45

    Bí thư Nguyễn Xuân Anh chào hỏi cử tri. Ảnh: Nguyễn Đông.

    Tại Đà Nẵng trời nắng nhẹ. Trên đường Trường Chinh (quận Thanh Khê), bộ đội xếp thành hàng đến điểm bỏ phiếu. Trên tuyến Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu), các đoàn viên đạp xe có gắn những khẩu hiệu tuyên truyền đi quanh phía đường Hùng Vương để tuyên truyền, nhắc người dân đi bầu cử.

    Tại điểm bỏ phiếu trường THCS Trưng Vương, nhiều người dân đã đến sớm, tranh thủ xem lại danh sách các đại biểu. Đợt này, Đà Nẵng có hơn 600.000 cử tri đi bầu cử.

    Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đa Nẵng, đã tới điểm bỏ phiếu trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu), vui vẻ chào hỏi những cử tri có mặt từ trước. Lễ chào cờ được cử hành ngay sau đó. Việc kiểm tra và niêm phong hòm phiếu được tiến hành.

    Ông Xuân Anh thực hiện nghĩa vụ công dân. Ảnh: Nguyễn Đông.

  • 6h40

    Bà Nguyễn Thị Hường - cử tri phường Tân Định, quận 1. Ảnh: Phước Tuấn.

    Bà Nguyễn Thị Hường (ngụ quận 1, TP HCM) dậy từ rất sớm để đến tổ bầu cử số 7 bỏ phiếu. "Tôi đã tìm hiểu rất kỹ các ứng cử viên đại biểu các cấp. Tiêu chí của tôi là chọn người có tâm huyết với dân, giúp dân đi lên", bà nói.

  • 06h35

    Cùng với cả nước, sáng nay hơn 5,2 triệu cử tri (gần 2,8 triệu là nữ) tại TP HCM sẽ bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tại 3.211 điểm bỏ phiếu.

    Các cựu lãnh đạo và lãnh đạo tham gia bỏ phiếu tại TP HCM gồm: nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng...

    Liên quan đến công tác đảm bảo an ninh phục vụ bầu cử, Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP HCM - cho biết, cơ quan an ninh đã có những biện pháp cơ bản để ngăn chặn, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, động viên người dân phát huy quyền bầu cử và nâng cao cảnh giác để không bị kẻ xấu lợi dụng.

    Các phương án dự báo tình huống phức tạp về an ninh trật tự đã được thành phố lên kế hoạch để không bị động, bất ngờ. Công an TP HCM; Bộ tư lệnh thành phố và Cảnh sát PCCC đã kiểm tra các đơn vị tại ở các quận huyện và xác định đảm bảo an toàn tuyệt đối.

    Có 50 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại TP HCM. Trong số 36 ứng viên ĐBQH khóa XIV tại địa phương có Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Công an TP Ngô Minh Châu, Hiệu trưởng Học viện Cán bộ TP Trần Hoàng Ngân...

    Các ứng viên được Trung ương giới thiệu về TP HCM gồm: Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí; Phó chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Thiếu tướng Lâm Quang Đại; Đại biểu Quốc hội khóa 13 Đỗ Văn Đương...

  • 06h30

    Điểm bỏ phiếu số 3 Thái hà (quận Đống Đa), các thành viên tổ bầu cử chuẩn bị làm lễ chào cờ. Ảnh: Bá Đô.

    Hà Nội trời mát mẻ. Trên đường phố, nhiều đoàn xe cổ động của thanh niên tình nguyện, đội múa lân các phường xã chuẩn bị diễu qua các tuyến phố để kêu gọi người dân đi bầu cử. Tại các điểm bỏ phiếu là trụ sở phường xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, các thành viên tổ bầu cử đã sẵn sàng đón tiếp cử tri.  

    Theo quy định, thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ 7h và kết thúc lúc 19h cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h và kết thúc muộn hơn nhưng không quá 21h cùng ngày.

    Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu. Màu sắc phiếu bầu cử do UBND cấp tỉnh lựa chọn nhưng màu phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trên cùng địa bàn không được trùng nhau. 

    Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên tổ bầu cử. Khi viết phiếu bầu, nếu cử tri không tín nhiệm người nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó; không khoanh tròn, gạch chéo, gạch dưới, gạch trên hàng họ và tên người ứng cử. Cử tri không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không được bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu.

    Cử tri cũng không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu. Nếu cử tri gạch hỏng, có quyền đổi phiếu bầu khác. 

    Danh sách cử tri được niêm yết tại các điểm bầu cử từ trước đó 40 ngày. Ảnh: Ngọc Thành.

     

    Theo Hội đồng bầu cử quốc gia, cả nước có hơn 69 triệu cử tri sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội; 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 24.993 đại biểu HĐND cấp huyện; 294.055 đại biểu HĐND cấp xã.

    Kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp sẽ được công bố vào ngày 1/6 và ngày 11/6 với đại biểu Quốc hội. 

Xuân Linh Tổng hợp

Tin liên quan

Thong ke

Video