Nội dung cho vòng đàm phán cuối cùng với Liên minh châu Âu về Hiệp định VPA đã sẵn sàng với sự góp ý

13/12/2017 14:12
Hà Nội - ngày 21 tháng 10 – Đại diện phía Việt Nam trong cuộc đàm phán tới đây với Liên minh châu Âu về Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) về thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT) đã đánh giá cao hội thảo tham vấn lấy ý kiến chuẩn bị các nội dung đàm phán cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hiệp hội gỗ, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng địa phương và ban ngành có liên quan.
Phát biểu khai mạc hội thảo Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp, ông Nguyễn Văn Hà cho biết: “Hội thảo sẽ tập trung lấy ý kiến về 3 vấn đề: kiểm soát gỗ nhập khẩu, phân loại doanh nghiệp và xác minh xuất khẩu và cấp phép FLEGT. Đây là những nội dung rất quan trọng mà hai bên đang đàm phán và cần lấy ý kiến của các bên liên quan, đặc biệt là của các doanh nghiệp vì họ là người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những kết quả đàm phán sau khi Hiệp định đi vào thực hiện.”
Hội thảo tham vấn các bên liên quan cấp quốc gia này được tổ chức bởi Tổng Cục lâm nghiệp, với sự hỗ trợ của dự án “Hỗ trợ tiến trình đàm phán VPA” do EC tài trợ thông qua WWF. Hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức liên quan cho bộ dự thảo các văn kiện trong hiệp định VPA. Các ý kiến này sẽ được tổ công tác quốc gia về VPA/FLEGT tổng hợp, phân tích và dùng làm căn cứ để Tổng Cục Lâm nghiệp đàm phán với Liên minh châu Âu trong vòng đám phán cuối cùng diễn ra vào tháng 11 năm 2016.
Từ nhiều năm nay, EU là một thị trường quan trọng của ngành gỗ Việt Nam. Đàm phán VPA/FLEGT với Liên minh châu Âu là tiến trình quan trọng đối với sự phát triển của ngành chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Khi đàm phán thành công, Việt Nam một mặt duy trì và tăng thị phần ở châu Âu, đồng thời nâng cao hình ảnh và thương hiệu của gỗ Việt không chỉ ở thị trường này mà tại các thị trường khác trên thế giới. Tuy nhiên, đây là một Hiệp định thương mại phức tạp khi Việt Nam vừa sản xuất, vừa nhập khẩu gỗ từ hơn 100 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, số lượng hộ dân trồng rừng, doanh nghiệp nhập khẩu và chế biến xuất khẩu gỗ rất lớn trong khi đó nội dung đàm phán liên quan tới nhiều bộ ngành khác nhau như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương.
Ông Nguyễn Tôn Quyền Tổng thư Ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Là một thành viên chính thức trong đoàn đàm phán VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã tham gia tất cả các hoạt động trong suốt tiếng trình đàm phán từ khi khởi đầu cho đến nay. Vì vậy, hội thảo tham vấn này đã giúp cộng đồng doanh nghiệp hiểu biết đầy đủ và toàn diện về Hiệp định VPA/FLEGT. Từ thực tiễn sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến cho các cuộc đàm phán tiếp theo và chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và xuất khẩ theo đúng các cam kết trong quá trình thực thi Hiệp định.”
Sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vào tiến trình đàm phán và trong quá trình thực hiện Hiệp định được EU và chính phủ Việt Nam rất coi trọng. PanNature, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, một trong những tổ chức phi chính phủ - là đối tác chính của dự án đã tham gia tích cực vào tiến trình đàm phán từ khi bắt đầu. PanNature, thông qua các hoạt động của dự án, đã và đang giúp những người trồng rừng hiểu rõ hơn về Hiệp định và chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng những yêu cầu của Hiệp định. PanNature cũng là tổ chức tổng hợp những góp ý của người dân về những nội dung mà Chính phủ đang đàm phán để kết quả đàm phán mang tính khả thi, đáp ứng được mong đợi, góp phần thực hiện thành công những nội dung trong Hiệp định. 
Hiệp định Đối tác Tự nguyện là một Hiệp định thương mại song phương ký giữa EU và các quốc gia đối tác xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Khi tham gia vào Hiệp định này, các quốc gia đối tác phải tuân thủ chỉ xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp vào thị trường EU. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc để EU có thể thực hiện được Tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT), với kế hoạch hành động đầu tiên được EU thông qua năm 2003. Chương trình FLEGT của EU được coi là một giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết triệt để nạn khai thác và buôn bán gỗ lậu, thúc đẩy quản trị rừng bền vững.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam bắt buộc phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm gỗ để có thể thâm nhập vào thị trường châu Âu, một trong những thị trường tiềm năng của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu khoảng 800 triệu USD một năm.
WWF-Việt Nam

Tin liên quan

Thong ke

Video